21/11/09

Tin mới nhận

Trường THPT Đô Lương I kỷ niệm 50 năm và đón nhận huân chương lao động hạng nhì. (21/11/2009).

Sáng ngày 21/11/2009, Trường THPT Đô Lương I tổ chức đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường và đón nhận huân chương lao đông hạng nhì. Đến dự lễ có các đồng chí Nguyễn Xuân Đường - ủy viên ban thường vụ, phó chủ tịch UBND tỉnh, Lê Văn Ngọ - Giám đốc sở GDĐT, Nguyễn Văn Phước – Bí thư huyện ủy cùng đông đảo các đại biểu, các thầy cô giáo đã, đang công tác tại trường, các cựu học sinh qua các thời kỳ.


Trường THPT Đô Lương I được thành lập 1959 có tên gọi là trường cấp III Anh Sơn, đến tháng 4/1963 trường được đổi tên là trường cấp III Đô Lương, đến tháng 9/1965 trường được đổi tên là trường THPT Đô Lương I. Trải qua 50 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, trường đã 7 lần di chuyển địa điểm do chiến tranh ác liệt, chặng đường ấy gắn bó với bao kỷ niệm không thể nào quên của các thế hệ thầy cô giáo, của các em học sinh. Từ ngày thành lập cơ sở vật chất trường lớp chỉ là tranh tre nứa mét với 249 học sinh vượt qua bao khó khăn thử thách với sự nỗ lực của cán bộ giáo viên và học sinh trường THPT Đô Lương I đã không ngừng phát triển. 1967 trường đã trở thành 1 trong 7 ngôi sao sáng của nền giáo dục miền bắc.

Đến nay trường có 2300 học sinh đã trưởng thành công tác trên mọi miền của đất nước. Nhiều học sinh của trường nay đã có học hàm, học vị cao như: Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ, Tướng lĩnh cao cấp trong quân đội, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú. Sau 50 năm trường THPT Đô Lương I có 11 nghìn học sinh đỗ vào các trường đại học và cao đẳng, 3 học sinh giỏi cấp quốc gia, hàng năm tỷ lệ tốt nghiệp chiếm 96%, 160 cán bộ giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Suốt 50 năm qua trường được thủ tướng chính phủ, bộ trưởng bộ giáo dục, UBND tỉnh tặng 25 bằng khen. Năm 1994 trường được chủ tịch nước tặng huân chương lao động hạng 3. năm học 2008-2009 trường được công nhận là một trong những trường PTTH dẫn đầu của tỉnh Nghệ An về thành tích học sinh giỏi và tỷ lệ tốt nghiệp và được chủ tịch nước tặng thưởng huân chương lao động hạng nhì. Đây là động lực lớn để nhà trường tiếp tục phấn đấu xây dựng đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới.


Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND Tỉnh trao huân chương lao động hàng nhì và bức trướng tới trường THPT Đô Lương I

Đồng chí Nguyễn Văn Phơớc - Ủy viên BCH Tỉnh ủy, bí thư huyện ủy trao tặng bức trướng tới trường THPT Đô Lương I

Được sự ủy quyền của chủ tịch nước đồng chí Nguyễn Xuân Đường- ủy viên ban thường vụ - Phó chủ tịch UBND Tỉnh trao tặng huân chương lao động hạng nhì và bước trướng mang dòng chữ: “Trường THPT Đô Lương I phát huy truyền thống vẻ vang vì sự nghiệp giáo dục thể hệ trẻ”. Buổi lễ đã diễn ra trong bầu không khí đoàn kết phấn khởi.
Duy Vinh

19/11/09

Chúc Mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11


Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Chúc các thầy cô luôn dồi dào sức khoẻ tiếp tục mãi mãi sự nghiệp " trồng người " của mình và gặt hái được nhiều thành công, hạnh phúc, ... trong cuộc sống.

Chúc các bạn làm trong nghành giáo dục có đầy tự tin theo bước thầy cô, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.
Chúc các bạn luôn vui vẻ, mạnh khỏe và đạt được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống cũng như trong công việc.

Nguyễn Thọ Triều

17/11/09

Nối nhớ !!!

Hôm nay, buồn ơi là buồn.
Ước gì được trở về mấy năm trước không phải bon chen, không phai suy nghĩ nhiều, không làm mất lòng bạn bè,....
- Công việc thì chưa đâu vào đâu
- Chuyện tình cảm lại càng đâu trooc
- Chuyện tình bạn lại ko ai hiểu cho...

Thế giờ mới nhớ tới câu thư pháp một người bạn đã tặng:
" Ngày mai chẳng biết ra sao nữa
Mà có ra sao cũng chẳng sao"

14/11/09

Lượng cưới vợ pà con ơi

Mọi người ah.
Đặng Ngọc Lượng sắp cưới vợ đó. Lễ thành hôn được tổ chức vào ngày 22/11/2009 (DL). Vợ Lượng hình như cũng là giáo viên. Mọi người điện chúc mừng Lượng nhé

Trường THPT Đô Lương I giàu truyền thống và nghĩa tình

Xem hình

Trường THPT Đô Lương I được thành lập ngày 15/9/1959. Ban đầu trường có tên là: Cấp 3 Anh Sơn và trong quá trình trưởng thành có thay đổi tên gọi: Cấp 3 Đô Lương, cấp 3 Đô Lương I, PTTH Đô Lương I, THPT Đô Lương Ingày nay.

Được sự lãnh đạo của cấp ủy chính quyền, sự cưu mang, ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, sự cố gắng vươn lên rất đáng trân trọng của các thế hệ nhà giáo và học sinh, trường đã vượt qua muôn vàn khó khăn, không ngừng phấn đấu đi lên. Trường luôn khơi dậy, phát huy được truyền thống hiếu học của quê hương. Phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt ngày càng có chiều sâu và đạt hiệu quả cao. Nhà trường đã ươm mầm tài năng thành công, khơi nguồn bao hoài bão, ước mơ đẹp đẽ của thế hệ trẻ trên mảnh đất Đô Lương anh hùng, nhân văn.


Lễ khai giảng năm học 2009- 2010
ở Trường THPT Đô Lương I.
Ảnh: TL


Khởi đầu chỉ có 5 lớp 8, 249 học sinh (HS) và 21 thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên, đến nay Trường THPT Đô Lương I có 40 lớp học với gần 2.000 HS và 102 thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên. 50 khoá học với hơn 25.000 HS được học tập rèn luyện trưởng thành từ mái trường này. Đó là nguồn nhân lực quý giá cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương.

Có những người đã nằm lại nơi tuyến đầu trong cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc, góp phần viết nên trang sử hào hùng chống xâm lăng của dân tộc. Có hàng trăm giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, hàng ngàn kỹ sư, bác sỹ, nhà giáo, sỹ quan quân đội, công an, các nhà quản lý, hoạt động chính trị, chiến sĩ, công nhân viên chức đang ngày đêm có mặt trên công trường, đồng ruộng, nơi biên cương hải đảo...


Từ khi thành lập đến nay, trường có 10 nhà giáo đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng: thầy Phan Hoàng Tiêm, thầy Lê Văn Thụ, thầy Nguyễn Như Du, thầy Phạm Duy Thận, thầy Lê Đăng Tớn, thầy Đậu Văn Đình, thầy Nguyễn Danh Thuận, thầy Nguyễn Duy Mai và cô Nguyễn Thị Kiều Hương (đang đương nhiệm).


Từ năm 1986 đến nay, trường đã có những bước tiến nhanh, mạnh, vững chắc. Nhiều năm liền là trường tiên tiến xuất sắc của tỉnh. Đội ngũ giáo viên dạy giỏi, chiến sỹ thi đua, học sinh giỏi tỉnh năm sau cao hơn năm trước. Năm 2008 - 2009 tỷ lệ học sinh giỏi tỉnh đứng thứ nhất toàn tỉnh. Học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng đứng thứ nhì tỉnh (chỉ sau trường chuyên Phan Bội Châu) và được Bộ GD - ĐT xếp thứ 156/200 trường trong toàn quốc, có số học sinh đậu đại học cao. Bên cạnh đó, trường luôn chú trọng và làm tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn...


Chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm thành lập, trường sẽ cho ra mắt tập kỷ yếu bề thế và nâng cấp phòng truyền thống để cố gắng phản ánh tương đối đầy đủ những nét lớn về sự phát triển và bao nghĩa tình, nghĩa cử cao đẹp của các thế hệ thầy trò.Ngày lễ sẽ là dịp để hội ngộ, tri ân của các thế hệ thầy trò và trò sẽ được tiến hành trong 2 ngày: 20,21 tháng 11 năm 2009.


Màn đồng diễn của học sinh trường THPT Đô Lương I trong ngày lễ.
Ảnh: Lê Ngọc Phương.


Vinh dự, tự hào là người kế nhiệm các thế hệ đi trước, chúng tôi luôn tự đặt cho mình trách nhiệm lớn lao, phải tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp, khắc phục những hạn chế, cơ sở vật chất còn thiếu thốn để vươn lên. Chúng tôi cũng xin bày tỏ sự biết ơn đối với những tấm lòng cao quý của các thế hệ cựu học sinh, các bậc phụ huynh đã có những đóng góp, ủng hộ chí tình cho mái trường yêu dấu của quê hương.


Chấn Khang (Theo Nguyễn Thị Kiều Hương/Báo Nghệ An)

4/10/09

Cuộc sống không dễ dàng

Cuộc đời con người có mấy giai đoạn? Mỗi giai đoạn kéo dài bao lâu? Để trả lời câu hỏi này thật khó. Nếu lấy bản thân mình ra để đo, làm tiêu chuẩn thì lại càng khó. Ở đây xin mạn phép bàn về 27 năm đã qua vậy. Bảy năm đầu tiên, đây là thời gian sống hoàn toàn trong nhà, ít tiếp xúc bên ngoài nhất. Từ bảy năm trở đi là quá trình tiến vào xã hội, mức độ thâm nhập càng tăng dần, điều này cũng đồng nghĩa với việc ngày càng rời xa hơn gia đình để khẳng định bản thân. Trước khi tốt nghiệp phổ thông trung học, hầu hết chúng ta đều sống dựa vào gia đình, và "nổi loạn" một chút vào những năm phổ thông trung học, cái tuổi mà người ta gọi là không chịu làm con nít nhưng cũng không hẳn là người lớn, cái tuổi chập chững những tình cảm đầu đời, cái nhìn e thẹn khi bắt gặp một ánh mắt, cái ửng hồng của gò má khi gặp những câu bông đùa. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, thường xảy ra hai xu hướng, xu hướng đầu tiên là tiến nhanh ra xã hội và bắt đầu thoát ly ra khỏi ngôi nhà cũ, cái này tùy mức độ, nhưng thường khoảng 3 - 5 năm sau gần như tách độc lập, nói chung các chị em có xu hướng nhanh hơn, và chủ yếu về nhà chồng trong giai đoạn này và chuyển sang giai đoạn tiếp theo: giai đoạn làm dâu và làm mẹ, nam thì muộn hơn 2 - 3 năm sau nữ. Xu hướng hai, đây xu hướng kéo dài sự lệ thuộc vào gia đình, thường những người này sẽ tiếp tục dựa vào gia đình để học tiếp, qua trình này kéo dài tùy theo cấp học, dài nhất 5 - 7 năm, sau đó mất khoảng vài năm gọi là lập nghiệp.

Do những xu thế này nên xảy ra hai cách nhìn nhận, một bên theo xu hướng một, thường họ cho rằng mình kém hơn và bắt đầu có cái nhìn khoảng cách với nhóm theo xu hướng hai. Nhóm xu hướng hai cũng không ít người cho rằng mình giờ cũng đã khác. Và như thế ở họ có những hố ngăn vô hình càng ngày càng được nới rộng.

Nhưng công bằng mà nói, được cái này mất cái kia, cuộc đời như một sự đổi chác, do đó dù con đường này hai con đường khác, mà giai đoạn của mỗi cuộc đời của mỗi người kéo dài khác nhau. Nhưng cái đích mà mỗi người hướng đến tôi tin chắc là giống nhau. Do đó thiết nghĩ, giai đoạn mỗi con người kéo dài bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là hãy trân trọng những thời gian của mỗi giai đoạn đó, và mục đích, cái chân chính của giai đoạn đó. Trên cơ sở đó chúng ta nên trân trọng nhau, tôn trọng nhau và hãy để tình bạn, tình đồng nghiệp luôn tồn tại trong chúng ta.

Cỏ Năn

2/10/09

ĐẶC SẢN QUÊ CHOA !!!



Ai đã một lần đến Đô Lương, được nhấm nháp vị ngọt của kẹo lạc và cảm giác giòn tan trong miệng của những chiếc bánh đa vừng nơi đây hẳn sẽ không bao giờ quên. Ở đây có nhiều làng làm bánh đa-kẹo lạc, nhưng nổi tiếng là làng Vĩnh Đức.


Về Vĩnh Đức những ngày đầu tháng 5, chúng tôi bắt gặp những người thợ thoăn thoắt bên những lò than rực đỏ để cho ra những sản phẩm ngon và đẹp mắt. Bánh đa sản xuất ra không kịp phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của các thực khách tại các nhà hàng ở trong và ngoài tỉnh.

Bánh đa được làm từ bột gạo, tiêu, tỏi và các gia vị khác. Nguyên liệu tuy đơn giản, dễ kiếm nhưng để có một chiếc bánh ngon đòi hỏi rất nhiều công phu. Gạo phải trắng, tuyệt đối không lẫn trấu hay cám. Gạo được xay nhuyễn với nước rồi trộn với vừng (mè) đen, cùng với tỏi giã nhỏ, hạt tiêu được xay mịn và những gia vị vừa đủ rồi tráng bằng nồi hấp. Khi bánh chín thì vớt ra, cho lên giá phơi cho đến khi khô giòn. Công đoạn tráng bánh khá công phu và là khâu quan trọng, đòi hỏi sự khéo léo của người thợ. Nếu người thợ tráng hơi non tay thì bánh không có độ đều và dày cần thiết, khi nướng có thể bị vẹo bánh.

Chính bởi sự công phu và mang dư vị riêng này nên sản phẩm bánh đa, kẹo lạc Đô Lương giờ đây đã trở thành thương hiệu quen thuộc với khách hàng ở khắp nơi. Ông Trần Đình Kiều, Trưởng phòng Công nghiệp - Dịch vụ huyện Đô Lương cho biết: "Làng nghề Vĩnh Đức trải qua hơn 100 năm và hiện nay có trên 130 hộ làm nghề sản xuất bánh đa, kẹo lạc theo phương pháp truyền thống, thu nhập lao động đạt từ 900 ngàn đến 1 triệu đồng/người/tháng".

Nhiều cụ trong làng kể lại, sở dĩ bánh làng Vĩnh Đức ngon là do mạch nước ở đây làm cho cây lúa làng có hương vị đặc trưng riêng. Bởi thế khi lấy nguyên liệu ở nơi khác về làm thì bánh không ngon như làm bằng nguyên liệu tại chỗ, hoặc một số nơi ở Đô Lương cũng làm bánh đa nhưng lại không có vị riêng như ở đây. Ngòai ra vừng sẽ làm cho bánh thêm bùi, ngọt , tiêu và tỏi sẽ làm cho bánh thơm, khi ăn có vị cay nồng dễ chịu. Muốn ăn bánh người ta nướng lên bằng than củi.

Bánh đa là thứ bánh dân dã, dễ ăn kèm với các món khác hoặc ăn riêng cũng được. Thông thường, bánh được ăn kèm với bánh mướt (một loại bánh được làm từ bột gạo nhưng ăn ngay khi vừa tráng xong). Cuốn bánh mướt vào một miếng bánh đa rồi chấm vào bát nước mắm cay, khi cắn nghe tiếng "rốp" thật đã. Giờ đây đời sống đã được nâng lên, người ta thường ăn bánh mướt với giò, chả nhưng nhiều người vẫn nhớ và thích ăn cái kiểu "nửa khô nửa ướt" ấy. Ngoài ra, món "bún giá cá ruốc" sẽ ngon hơn nhờ một miếng bánh đa, bỏ lên ít bún, thêm ít giá sống và cùng một mẩu nhỏ cá hấp, rồi chấm vào bát ruốc (mắm tôm) đã dầm ớt vắt chanh. Vị cay nồng hoà cùng với vị ngọt bùi thêm một ít vị chua, khi ăn mồ hôi túa ra, thật sảng khoái !

Bao người Nghệ đi xa vẫn cứ nhớ cái món ăn sáng trong phiên chợ đầu làng, rồi cứ day dứt, mong ngóng ngày về...

Ghé thăm gia đình chị Thảo - một hộ làm nghề lâu năm, chị tâm sự: "Gia đình tôi làm nghề từ lâu lắm rồi, cũng không nhớ chính xác nữa, khi còn rất nhỏ đã thấy ông bà, cha mẹ làm nghề bên những lò than rực đỏ. Công việc tuy vất vả nhưng vui lắm, lại giúp gia đình tăng thêm thu nhập, hơn nữa đây lại là nghề của ông cha mình truyền lại, ít nhất phải giữ lấy nghề...". Gần đây, không chỉ làm bánh, người dân còn biết chế biến thêm món kẹo lạc. Tham quan các xưởng sản xuất nhìn những động tác tráng bánh thoăn thoắt, đúc kẹo vào khuôn chính xác và cẩn thận của những người thợ mới thấy họ yêu nghề và trau nghề đến chừng nào.

Cũng từ cái nghề dân giã này mà làng nghề Vĩnh Đức đã thay da đổi thịt, nhà cửa mọc lên san sát, hầu như nhà nào cũng có xe máy, ti vi. Để hỗ trợ sản xuất, chấm dứt tình trạng làm ăn nhỏ lẻ, chính quyền huyện Đô Lương đang khẩn trương xây dựng đề án "Phát triển nghề bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức". Đây là hướng đi phù hợp với chủ trương phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề của tỉnh.

Hy vọng một ngày gần đây trở lại Vĩnh Đức, sẽ thấy làng nghề mang diện mạo mới, khang trang và sôi động hơn, thương hiệu "bánh đa, kẹo lạc Đô Lương" sẽ ngày càng vươn xa.

Theo Song Hoàng / Báo nghệ an

28/9/09

Miền Trung mưa bão

Nếu bạn nhìn vào bản đồ Việt Nam, bạn thấy ngay khúc ruột miền trung dài đang oằn mình trong cái nghiệt ngã của thiên nhiên, mảnh đất ấy vốn là nơi nảy sinh ra bao nhân tài nhưng chưa bao giờ giàu. Dường như sự kiên cường của con người xứ này chỉ để chống lại thiên nhiên. Bạn đã đến, đã đi về miền cát trắng, bạn đã chịu cái nắm rát với gió lào chưa. Cái nóng, khô khan ấy đã làm cho người dân miền trung vốn đã gầy gò đen nhẻm nay lại càng quắt queo hơn. Mùa đông cũng chẳng khá hơn, cái rét đên cắt gia cắt thịt, mưa phùn suốt ngày lại càng thêm ảm đạm.
Năm nay mùa mưa bão lại đến, dân quê tôi lại bước vào mùa chạy bão, trốn lũ. Không có năm nào không có người chết, không có năm nào là không có nhà sập đổ. Xây rồi lại bị phá.

Cuộc sống thật khắc nghiệt, nhưng dân quê tôi vẫn tồn tại và vẫn kiên cường bám trụ. Bạn ơi khí hậu ngày càng khó lường, sự khủng khiếp của nó ngày càng khó lường. Không chúng ta hãy bảo vệ lấy môi trường của chúng ta, vì chính chúng ta và chính tương lai sau này của mảnh đất miền trung thân yêu.


Cỏ Năn

27/9/09

đêm khuya

Tháng ngày cứ trôi đi, cứ trôi đi mãi. Ngọt ngào của tuổi đôi mươi không biết mà hưởng thụ. Sao lúc đó tôi không nói: tôi có thể hôn em không? bây giờ có tuổi rồi nỏ muốn đi tán gấy nựa...
Làng quê nghèo xơ xác, món ăn chính vẫn là rau muống, cà...chuyên trị một món rứa. Thương đôi chân trần cha đi dưới nắng, thương mẹ già tần tảo sớm trưa...họ quá đáng khâm phục bà con à. Họ thật là tài chịu khổ!

24/9/09

Mùa cưới hỏi

Cái thời điểm này thật lạ,(cuối thu đầu đông) người ta lại hẹn nhau cưới. Dường như cái lành lạnh lại thúc dục họ tìm đến nhau. Mùa này hễ ra đường bạn sẽ bắt gặp nhau những chiếc xe hoa chạy bon bon giữa phố. Theo sau là từng cặp trai thanh, nữ tú đèo nhau trên chiếc gắn máy. Mặt họ rạng rỡ những nụ cười. Hôm nọ gặp cô bạn, thấy cô hào hứng kể rằng, tháng sau sẽ tha hồ đi ăn cưới, bạn bè rủ nhau cưới hết. Tôi đùa hỏi lại: thế em định bao giờ. Cô hồn nhiên trả lời: ai rước em về bằng ô tô là em về liền à. Tôi cười: mai tôi ra hàng mã mua một cái nhé. Cô nguýt dài: còn lâu nhá, anh ấy à ...

Vâng cuộc sống cứ hối hả trôi, nhưng giữa dòng đời tập nập ấy, những cuộc hôn nhân như một gạch nối dài kéo dài sự phát triển của đất nước, kéo dài cuộc sống bất tận.
Giữa nắng thu Hà Nội
Cỏ Năn

13/9/09

THÔNG TIN VỀ QUÊ HƯƠNG !!!

Theo thông tin từ http://doluong.gov.vn.
Upanh.com

Đúng vào dịp Quốc khánh 2/9/2009. Đảng bộ xã Xuân Sơn đã tổ chức lễ công bố cuốn Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Sơn tập 2, giai đoạn 1975 - 2005.

Upanh.com
Tiết mục văn nghệ của các em học sinh chào mừng lễ công bố

Tập 2 cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Sơn ra mắt nhằm ghi lại chặng đường xây dựng và phát triển của Đảng bộ và nhân dân Xuân Sơn trong suốt 30 năm qua kể từ khi đất nước thống nhất.
Upanh.com
Trụ sở Đảng ủy, UBND xã Xuân Sơn

Từ năm 1975 đến nay cùng với sự phát triển của huyện Đô Lương và quá trình đổi mới của đất nước, Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Sơn luôn đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển, nổi bật là kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao.
Upanh.com
Mô hình xã Xuân Sơn

Hệ thống đường nhựa, đường bê tông cơ bản được khép kín, hệ thống giáo dục chuyển biến tích cực, nhân dân Xuân Sơn đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng trường mầm non, trường tiểu học và THCS. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền được chú trọng giữ vững, đời sống tinh thần của nhân dân không ngừng phát triển.

Upanh.com
Trường mầm non xã xuân sơn

Việc xây dựng hoàn thành và ra mắt tập 1 và tập 2 cuốn Lịch sử sẽ góp phần tích cực trong việc giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ ở xã Xuân Sơn với 1 niềm tự hào là đơn vị AHLLVT.

12/9/09

Năm ni, Xuân Sơn lại mất mùa....

Vụ mùa thất thu, Nghệ An xin Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp.
Chưa bao giờ người dân Nghệ An lại bị mất mùa “đau” như năm nay. Vụ hè thu 2009, diện tích lúa mất trắng hơn 5.500 ha do bị bệnh, giảm năng suất so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 30%. Theo báo cáo mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, tính đến hết ngày 11/9, trên địa bàn tỉnh cơ bản đã thu hoạch được 80% diện tích lúa hè thu trên tổng diện tích 65.600ha. Trong đó có tới hơn 5.500ha lúa bị dịch bệnh gây hại, mất trắng và phải tổ chức tiêu hủy. Lúa hè thu Nghệ An năm nay mất mùa đau nhất từ trước tới nay. Nhiều diện tích lúa như thế này người dân chỉ gặt về lấy rơm để cho trâu bò ăn.... Bên cạnh việc hỗ trợ nông dân mất mùa, UBND tỉnh Nghệ An giao cho Sở LĐTB&XH lập danh sách cụ thể trình Chính phủ xin trợ cấp; trước mắt sẽ xin trợ giúp 4.000 tấn gạo để phát cứu đói cho nhân nhân trong dịp giáp hạt.
Thông tin từ báo Dantri.com.vn (Nguyễn Duy).

Cái nghèo cứ quanh quẩn bám lấy người thân chúng ta. Không biết, sống ở Xuân Sơn ta khi mô cho "GIÀU" được. Mọi người hãy tiết kiệm hết mức có thể, nếu có dư thì gửi về hỗ trợ gia đình nhé !!!

NHỮNG CÂU NÓI HAY VỀ TÌNH BẠN

Mình luôn luôn đề cao Tình Bạn, để tình bạn của chúng ta ngày một sâu đậm. Mình xin tặng các bạn "những câu nói hay về tình bạn" mà mình sưu tầm được. Chúc các bạn ngày cuối tuần vui vẻ, hạnh phúc...



Rất nhiều khi chúng ta quên mất những gì mình đang có và chỉ luôn đòi hỏi những gì mình không có. Cũng có những thứ không giá trị với người này nhưng lại là mong mỏi của người khác. Điều đó phụ thuộc vào cách nhìn nhận và đánh giá của mỗi người.Xin đừng quá lo lắng, chờ đợi vào những gì bạn chưa có mà bỏ quên những điều bạn đang có, dù là chúng rất nhỏ nhoi.

Một định lí trong cuộc sống mà ai cũng đồng tình:Một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa lan toả , một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi, đôi môi có hé mở mới thu nhận được nụ cười, bàn tay có rộng mở trao ban tâm hồn mới ngập tràn vui sướng.

Tôi không thể giải quyết giùm bạn tất cả những rắc rối, nghi ngờ hay lo sợ, nhưng tôi có thể nghe những điều bạn giãi bày và cùng bạn đi tìm lời giải đáp.

Tôi không thể thay đổi quá khứ đau thương ảm đạm và cũng không thay đổi được tương lai đang chờ bạn ở phía trước, nhưng tôi sẽ bên bạn khi bạn cần tôi quan tâm.

Tôi không thể giúp bạn không vấp ngã, tôi chỉ có thể chìa tay ra cho bạn để bạn không bị té
nhào.Niềm vui, sự chiến thắng, thành công và hạnh phúc là của bạn chúng không phải của tôi, tuy nhiên tôi có thể cùng bạn cười thật to và vui thật nhiều.

Bạn quyết định về cuộc đời của bạn chứ không phải tôi, và tôi cũng không phán xét những quyết định đó, tôi chỉ có thể hỗ trợ, khuyến khích và giúp bạn khi bạn yêu cầu.

Tôi không thể gán cho bạn những giới hạn mà tôi nghĩ về bạn, nhưng tôi luôn có thể để bạn thay đổi, trưởng thành và trở thành chính bạn.

Tôi không thể bảo vệ con tim bạn thoát khỏi những đổ vỡ và đau thương, nhưng tôi có thể cùng bạn rơi lệ, gom nhặt những mảnh vỡ và hàn gắn chúng lại với nhau.

Tôi không thể bắt bạn trở thành ai đó, tôi chỉ có thể yêu thương bạn và nguyện là "BẠN CỦA BẠN"


NTT

11/9/09

TÌNH BẠN !!!

Trong một giây phút nào đó trong cuộc sống, bạn tìm thấy đươc một người bạn thân...
Đó là người có thể thay đổi cuộc sống của bạn dù chỉ là một phần nhỏ nào đó
Là người có thể làm cho bạn cười đến ngặt nghẽo đến nỗi bạn không thể dừng lại
Là người làm cho bạn tin rằng thế giới này thật sự tốt đẹp
Là người đã ngồi hàng giờ để thuyết phục bạn rằng thật sự cánh cửa cuộc đời vẫn chưa đóng lại với bạn và nó đang cho bạn mở ra
Đó chính là người bạn mãi mãi...
Khi bạn ngã qụy và thế giới quanh bạn dường như qúa đen tối và trống rỗng, người bạn ấy sẽ nâng bạn lên và làm cho sự đen tối , trống rỗng của thế giới ấy bỗng vụt sáng lên và lấp đầy những trống rỗng ấy
Người bạn ấy có thể dắt bạn qua những giây phút khó khăn của cuộc sống, lúc buồn và cả những lúc rối trí, Người bạn ấy sẽ nắm lấy tay bạn và nói với bạn rằng mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp
Và nếu bạn đã tìm thấy một người bạn như thế, bạn đã cảm thấy hạnh phúc và đầy đủ, bởi vì bạn không cần lo âu, bạn đã có một tình bạn mãi mãi trong cuộc đời và nó sẽ không bao giờ kết thúc...
Nghĩ về bạn và tôi muốn nói rằng ...những ý nghĩ của bạn làm sáng lên những ngày tháng cô đơn, bằng cách nào đó mà bạn luôn ở đó, với nụ cười và sự vui vẻ, với tình cảm dành để chia sẻ....Bạn làm tôi mỉm cười những khi tôi buồn bã nhất...Bạn là người bạn thân nhất mà tôi đã có ....Cảm ơn vì đã là bạn của tôi

Hãy Suy Nghĩ những gì bạn sắp nói rồi hãy nói!
Hãy đặt mình vào vị trí của người khác chỉ để biết được rằng người khác cảm thấy như thế nào trong hoàn cảnh ấy!!
Hãy cho nhiều hơn là nhận, bạn nhé!
Hãy tin tưởng vào bạn bè vì không ai trong chúng ta biết được đến khi nào mình cần 1 lời khuyên!
Hãy quan sát những điều đang xảy ra xung quanh mình và bè bạn. Bạn sẽ thấy còn rất nhiều điều mình đã vô tình bỏ qua!!!
Hãy quan tâm nhiều hơn đến những hành động hoặc cử chỉ của bạn bè để có thể an ủi đúng lúc hoặc đôi khi bạn chỉ cần im lặng và lắng nghe.
Hãy tha thứ cho bạn bè và đừng đòi hỏi quá nhiều hoặc yêu cầu quá mức đối với bạn bè.
Đừng nên mang sự đáng thương của mình ra để biện hộ cho hành động của mình.
Đừng nên bắt bạn bè phải khao mình nhiều mà hãy trả tiền cho những cuộc vui vừa với túi tiền của mình. Một quy luật bất thành văn trong tất cả các mối quan hệ là có qua thì phải có lại.
Đừng vì lợi ích của bản thân mà bỏ rơi bạn bè.
Đừng nên khóc vì những người bạn lừa dối mình mà hãy mạnh mẽ lên. Vẫn còn nhiều người đáng để ta rơi nước mắt hơn! .......

Bạn có biết rằng mình thường hay trách rằng: Bạn không hay quan tâm đến mình bởi vì mình rất quý trọng sự quan tâm của bạn dành cho mình. Mình sợ đến một ngày nào đó mình không cần nó nữa và sẽ trở thành một người vô cảm trước những gì tốt đẹp bạn dành cho mình của bạn.

- Bạn có biết rằng mình rất quan tâm đến bạn vì mình nghĩ rằng bạn cần sự quan tâm đó, nhưng có lẽ điều đó đôi khi đã làm bạn cảm thấy hơi khó chịu. Mình chỉ sợ đến một ngày nào đó mình sẽ lãnh đạm trước những nỗi buồn, sự đau khổ của bạn vì mình nghĩ rằng bạn sẽ không cần người để lắng nghe bạn thổn thức.
- Bạn có biết rằng mình cảm thấy rất buồn khi những tình cảm tốt đẹp của mình, tất cả là dành cho bạn vì mình nghĩ rằng bạn biết trân trọng nó. Nhưng một sự thật phũ phàng là mình sẽ phải ngồi trong bóng tối để suy nghĩ lại rằng: Bạn có thật sự cần nó không ? Vì bạn ạ ! Tình cảm là một cái gì đó cho đi mà không hề đòi trả công, nhưng nó sẽ chết khát khi người ta không biết tưới mát cho nó.
- Bạn có biết rằng: Mình rất hay lặp lại lời chúc: Your Dreams will become true if you believe in you ! I hope that You are always happy and successful for doing every thing at every where ! I believe in you !" không phải bởi vì mình chẳng còn câu gì để nói, mà...Đó là tất cả những gì mình mong muốn bạn sẽ có được, đó là những lời chúc chân thành từ tận sâu thẳm trong trái tim ! Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng đối với mình đó là sự phấn đấu cả cuộc đời. Mình hy vọng rằng: Mỗi khi bạn gặp khó khăn, nỗi buồn trong cuộc sống hãy nghĩ tới những dòng chữ này và hãy luôn nhớ rằng mình đang ở bên cạnh bạn.

Nhưng....Mình đã giận bạn.
- Mình nghĩ mình thật tàn nhẫn khi viết thư và nói rằng: " mong rằng sau bức thư này tình bạn của chúng ta sẽ không thay đổi, vẫn thế nhé". Thực ra bạn có biết rằng: Mình đã ngồi thức bao đêm, đã tự tàn nhẫn với chính mình trước khi viết cho bạn bức thư đó. Và mình chỉ mong muốn rằng sau bức thư đó quan hệ của chúng ta sẽ tốt hơn mà thôi.
- Bạn có biết rằng: Mặc dù có một số chuyện mình rất giận bạn, nhưng mình đã không cho bạn giải thích. Có thể bạn sẽ cho mình thật sự tồi tệ nhưng mình nghĩ rằng nên làm như thế vì sẽ tốt hơn cho cả hai ta.
- Bạn có biết rằng: Khi nhìn bạn buồn, mình đã rất muốn chạy đến bên bạn để an ủi bạn. Nhưng mình đã không làm vì mình nghĩ rằng có thể bạn không cần sự quan tâm đó.
- Bạn có biết rằng: Mình đã phải luôn luôn tự lừa dối mình, luôn luôn cố gắng tươi cười mặc dù con tim đang tự nguyền rủa mình khi biết tình bạn của chúng ta sắp tan vỡ không ?
- Bạn có biết rằng dù mình nói, mình viết như thể là không cần tình bạn của chúng ta nữa nhưng sự thực thì ngược lại. Người bạn bé nhỏ của tôi ạ ! Mình luôn luôn rất chân trọng những giây phút vui vẻ khi chúng ta đùa vui, những giây phút lãng mạn khi chúng ta cùng nhau đi và cả những lúc chạm mạch cười ngặt nghẽo, những giây phút hứng thú khi chúng ta học chung ! Đối với mình đó là những quãng thời gian thật đẹp đẽ biết bao.
Và Bạn có biết rằng...Mình vẫn còn rất giận bạn, bởi vì mình vẫn còn rất nâng niu, trân trọng tình bạn của chúng ta ! Bạn ạ ! "Thương nhau lắm thì cắn nhau đau", Người bạn thật sự là người bạn luôn ở bên bạn ngay cả khi đang rất giận dỗi bạn.
-Nhiều lúc tôi ghét bạn, ghét cái kiểu cho rằng cái gì thuộc về mình thì đều là nhất, ghét cả cái kiểu chóng quên cãi ngang nữa, to mồm quá mức, ghét những lúc bạn chơi đùa những trò tôi chẳng chơi được . Ngồi một mình chán thật. Tôi ghét cả những lúc nhìn thấy bạn buồn. Cứ chơi vui như bình thường đi thì đã sao, ngồi buồn như chưa bao giờ được buồn làm người ta phải ghét. Bực mình thật.
Sưu tầm từ Blog khác.

10/9/09

ĐÔ LƯƠNG QUÊ TA ƠI

Địa lý & Lịch sử:
Diện tích 35.433 ha, dân số 193.890 người. Thời nhà Hậu Lê, năm 1490, niên hiệu Hồng Đức thứ 21, đời vua Lê Thánh Tông, Anh Sơn thuộc huyện Nam Đường, phủ Anh Đô, xứ Nghệ An. Thời nhà Nguyễn, từ năm 1831, Đô Lương thuộc huyện Lương Sơn, phủ Anh Đô, tỉnh Nghệ An.
Hiện nay còn lại một số di tích lịch sử như đền Quả Sơn thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai thứ tám của Lý Công Uẩn; đền Đức Hoàng thờ Lê Trang Tông, người xây dựng sự nghiệp trung hưng nhà Lê; đình Phú Nhuận, đình Lương Sơn (là ngôi đình lớn bên bờ sông Lam).
Đô Lương là quê hương của:
- Thái phó, Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, tổ tiên của Bộ trưởng Nguyễn Cảnh Dinh, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn,...
- Tiến sĩ, Hồng lô tự thiếu khanh Nguyễn Nguyên Thành,
Nơi đây có Ba ra Đô lương-một công trình thủy lợi do Pháp xây dựng đầu thế kỷ 20, có công của hoàng thân Xuphanuvông, sau này là chủ tịch nước Cộng Hòa dân chủ nhân dân Lào.
Hành chính:
Đô Lương có quốc lộ 7A, 15A đi qua.
Đô Lương được chia thành 1 thị trấn Đô Lương và 32 xã : Lạc Sơn, Đại Sơn, Trù Sơn, Thái Sơn, Hiến Sơn, Trung Sơn, Đà Sơn, Thuận Sơn, Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn, Đông Sơn, Nam Sơn, Bắc Sơn, Đặng Sơn, Yên Sơn, Văn Sơn, Thịnh Sơn, Bài Sơn, Nhân Sơn, Quang Sơn, Thượng Sơn, Minh Sơn, Tân Sơn, Xuân Sơn, Tràng Sơn, Hồng Sơn, Hòa Sơn, Lưu Sơn, Mỹ Sơn, Giang Sơn Đông và Giang Sơn Tây.
Ngành nghề truyền thống:
Đô Lương thường được nhắc đến như nơi có nghề làm nồi đất truyền thống ở Trù Sơn, với phương pháp làm đơn giản nhưng sản phẩm phong phú và đa dạng như: nồi sắc thuốc bắc, niêu cơm, chõ xôi.
Ở Lưu Sơn, Tràng Sơn nghề đóng góp nhiều thu nhập cho nhân dân là nghề làm bánh đa (tiếng địa phương gọi là "bánh khô") hay làm kẹo lạc, kẹo cu đơ.
Ở xã Đà Sơn còn có nghề làm gạch ngói tại làng Phượng Kỷ.
Hầu như khắp nơi trên đất Đô Lương đều có người làm mộc, từ những dụng cụ trong nhà cho đến những đồ thủ công mỹ nghệ.
Di tích lịch sử-văn hóa:
• Đền thờ Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan tại xã Tràng Sơn.
• Đền Quả sơn và lịch sử con trai thứ tám của vua Lý Công Uẩn: nằm tại xã Ngọc Sơn, là ngôi đền lớn có lịch sử hàng trăm năm. Dân gian lưu truyền câu: "Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng".
• Nhà thờ Nguyễn Nguyên Thành
Nguồn: Từ điển Wikipedia

Upanh.com

Ai nghe bài hát về Đô Lương thì vào địa chỉ sau:
http://nghean24h.com/diendan/showthread.php?t=9145

8/9/09

Nhân ngày đẹp !

Ngày mai là ngày 09/09/09, lúc 9 giờ 9 phút 9 giây, chúc các bạn sẽ có 9 sự may mắn, 9 việc thành công, 9 điều hạnh phúc, 9 niềm vui, 9 cử chỉ dễ thương, 9 vẻ xinh đẹp cùng với gia đình, bạn bè và những người xung quanh !!!

(Tặng mọi người bài thơ rất hay mình vừa sưu tầm được)
Hạnh phúc

Đừng nói cuộc đời này tẻ nhạt nhé em
Hạnh phúc ở trong những điều giản dị
Trong ngày
Trong đêm

Đừng than phiền cuộc sống nhé em!
Hạnh phúc ngay cả khi em khóc
Bởi trái tim biết buồn là trái tim vui

Hạnh phúc bình thường và giản dị lắm em ơi
Là tiếng xe về mỗi chiều của bố
Cả nhà quây quần bên căn gác nhỏ
Chị xới cơm đầy bắt phải ăn no

Hạnh phúc là khi đêm về không có tiếng mẹ ho
Là ngọn đèn khuya soi tương lai em sáng
Là điểm mười đỏ tươi mỗi khi lên bảng
Là ánh mắt một người như lạ như quen

Hạnh phúc là khi mình có một cái tên
Vậy đừng nói cuộc đời này tẻ nhạt nhé em
Tuổi mười tám em còn khờ khạo lắm
Đừng cố vẽ tô một chân trời xa đầy màu hồng thắm
Hạnh phúc vẹn nguyên giữa cuộc đời thường

ĐÔ LƯƠNG I KHAI GIẢNG NĂM HỌC MỚI


Upanh.com

Tại trường PTTH Đô Lương I đã diễn ra lễ khai giảng năm học mới 2009-2010 - đây là lễ khai giảng cho năm học lần thứ 50 của trường với một bề dày thành tích đáng tự hào.

Thánh tích nổi bật trong năm học qua, một năm học đánh dấu sự nỗ lực, phấn đấu của các thầy giáo cô giáo và các em học sinh với một kết quả khá toàn diện. Số học sinh giỏi có 125 em chiếm 6,4%, học sinh tiên tiến 1313 em đạt tỷ lệ 69%, tỷ lệ tốt nghiệp 97%. Là trường có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao nhất trong 15 trường THPT của Tỉnh. tỷ lệ học sinh giỏi tiếp tục dẫn đầu với 26 em trong đó có 16 em đạt giải cao, đến nay có trên 200 em đỗ vào các trường đại học là những trường trong tốp 200 trường trong cả nước có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao, trường có 14 em đạt 27 điểm của 3 môn đại học.

Năm học vừa qua trường THPT Đô Lương I có 3 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 45 giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp, các phong trào VH- VN được duy trì và hoạt động có hiệu quả.

Những thành tích đó cũng là phần thưởng, những bông hoa tươi thắm chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường.

Nhân ngày lễ khai giảng năm học mới trường THPT Đô Lương I đã phát động phong trào thi đua mới với quyết tâm giữ vững đơn vị xuất sắc của tỉnh, đẩy mạnh nâng cao chất lượng dạy và học. Chú trọng rèn luyện đạo đức, nhân cách cho các em học sinh, tích cực phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng trường Đô Lương I xứng đáng là trường có truyền thống 50 năm thầy giỏi, trò giỏi, góp phần làm rạng danh quê hương Đô Lương và xứ nghệ.

Theo thông tin từ nghệ an 24h


5/9/09

Thông tin về kỷ niệm 50 năm thành lập trường THPT ĐL1

Nhân dịp 20/11/2009, trường THPT Đô Lương 1 sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập (1959-2009). Nếu bạn nào có điều kiện thì về tham dự nhé. Hi vọng ngày đó sẽ gặp được các bạn!!!
Chào Thân ái.
Hẹn gặp lại.

Tái Ngộ

Lâu quá rồi nhỉ !!!
Các bạn khỏe cả chứ !
Công việc, gia đình có chi mới ko?
Mình vẫn bình thường ! Lâu lắm không có ai tới Đà Nẵng chơi nhỉ. Nhớ mọi người quá.